Với sự phát triển của các thiết bị thông minh, nhu cầu sử dụng Wi-Fi ngày càng tăng cao. Để đảm bảo kết nối ổn định và tốc độ cao trong không gian rộng, nhiều người đã tìm đến các giải pháp mở rộng vùng phủ sóng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ba công nghệ phổ biến: Access Point, Mesh và Repeater.

Repeater là gì?

 

Repeater là một thiết bị nhận tín hiệu Wi-Fi từ router và phát lại tín hiệu đó với công suất mạnh hơn. Nó giúp mở rộng phạm vi phủ sóng của mạng Wi-Fi nhưng không tạo ra một mạng Wi-Fi mới.

  • Cơ chế hoạt động
    • Thu sóng wifi từ router chính
    • Khuếch đại và phát lại tín hiệu
  • Ưu điểm:

    • Dễ dàng cài đặt và sử dụng.
    • Chi phí thấp.
    • Không cần đi dây mạng.
  • Nhược điểm:

    • Giảm tốc độ kết nối, băng thông của toàn hệ thống mạng Wifi, do Router phải dành 1 phần băng thông để duy trì kết nối với Repeater.
    • Tín hiệu không ổn định bằng AP hoặc Mesh, vì giao tiếp bằng sóng Wifi và phụ thuộc vào băng thông của mạng Wifi.
    • Sóng Wifi do Repeater tạo ra có độ trễ cao hơn so với kết nối trực tiếp từ Router hoặc Modem chính.
    • Phụ thuộc vào tín hiệu từ Router hoặc Modem chính, nếu tín hiệu nhận được yếu thì hiệu quả mở rộng cũng bị hạn chế.

Access Point (AP) là gì?

Access Point là một thiết bị không dây có chức năng tạo ra một mạng Wi-Fi. Nó hoạt động như một cầu nối giữa các thiết bị không dây và mạng có dây. AP thường được sử dụng để mở rộng phạm vi phủ sóng của một mạng Wi-Fi hiện có hoặc để tạo ra một mạng Wi-Fi hoàn toàn mới.

  • Cơ chế hoạt động
    • Kết nối trực tiếp với router hoặc modem qua cáp mạng.
    • Một số AP cho phép kết nối với router hoặc modem chính qua mạng Wifi. Tuy nhiên, khi đó AP trở thành Repeater, và không còn ưu điểm về tốc độ và độ ổn định.
    • Tạo điểm phát wifi mới từ cáp mạng ở trên.
    • Hoạt động như một bộ phát wifi phụ.
  • Ưu điểm:

    • Cung cấp kết nối ổn định và tốc độ cao.
    • Có thể quản lý và cấu hình chi tiết.
    • Thích hợp cho các môi trường đòi hỏi độ bảo mật cao.
  • Nhược điểm:

    • Cần đi dây mạng.
    • Cần phải cấu hình phức tạp hơn so với các giải pháp khác.
    • Chi phí đầu tư ban đầu thường cao hơn.
    • Khó di chuyển vị trí sau khi lắp đặt.
    • Không có tính năng liền mạch khi chuyển từ AP sang AP trong cùng hệ thống mạng, nếu không có hệ thống quản lý chuyên dụng.

Mesh là gì?

Hệ thống Mesh bao gồm nhiều node (điểm) kết nối không dây (hoặc có dây) với nhau để tạo thành một mạng lưới. Các node này có thể giao tiếp trực tiếp với nhau hoặc thông qua các node khác. Điều này giúp tín hiệu Wi-Fi được truyền đi một cách ổn định và liên tục trong toàn bộ không gian. Mesh hoạt động như một mạng Wi-Fi duy nhất, và người dùng sẽ không nhận thấy sự thay đổi (ngắt kết nối tạm thời) khi di chuyển giữa các node.

  • Cơ chế hoạt động
    • Sử dụng nhiều node (điểm phát) kết nối với nhau
    • Tạo một mạng lưới wifi thống nhất
    • Tự động chọn đường dẫn tối ưu cho dữ liệu
    • Duy trì một tên mạng (SSID) duy nhất.
    • Khi thiết bị di chuyển trong khu vực phủ sóng, Mesh Wi-Fi sẽ tự động chuyển tiếp thiết bị qua các node gần nhất mà không gây ngắt kết nối.
  • Ưu điểm:

    • Dễ dàng cài đặt và mở rộng.
    • Tín hiệu Wi-Fi được phân phối đều khắp.
    • Khả năng tự động chuyển đổi giữa các node khi di chuyển.
  • Nhược điểm:

    • Chi phí cao hơn so với AP đơn lẻ.
    • Cần phải có nhiều node để phủ sóng một không gian rộng.

Nên chọn giải pháp nào?

Việc lựa chọn giải pháp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Kích thước không gian: Nếu không gian rộng lớn, Mesh là lựa chọn tốt nhất.
  • Yêu cầu về tốc độ: Nếu cần tốc độ cao và ổn định, AP là lựa chọn phù hợp.
  • Ngân sách: Repeater là lựa chọn tiết kiệm nhất.
  • Độ phức tạp của cấu hình: Nếu không muốn cài đặt phức tạp, Mesh là lựa chọn đơn giản hơn.